TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN PHONG ĐIỀN
-
Nội dung hoạt động của Trung tâm Y tế
Trung Tâm Y tế huyện Phong Điền là Trung tâm Y tế hạng III (theo quy định của Bộ Y tế), là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố Cần Thơ có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Y tế huyện Phong Điền chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân sự, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị y tế tuyến thành phố, Trung ương; chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền theo quy định của pháp luật.
-
Về cơ cấu tổ chức
Trung tâm Y tế huyện Phong Điền có 06 phòng chức năng, 10 khoa chuyên môn và 06 Trạm Y tế xã trực thuộc, cụ thể như sau:
+ 06 phòng chức năng
– Phòng Tổ chức – Hành chính;
– Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ;
– Phòng Tài chính – Kế toán;
– Phòng Điều dưỡng;
– Phòng Dân số- KHHGĐ;
– Phòng Y tế cơ sở;
+ 10 khoa chuyên môn
– Khoa Hồi sức cấp cứu;
– Khoa Khám bệnh và liên chuyên khoa;
– Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng;
– Khoa Ngoại tổng hợp- CSSKSS;
– Khoa Nội tổng hợp- Nhi- Nhiễm;
– Khoa Dược- Trang thiết bị- Vật tư y tế;
– Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh;
– Khoa Kiểm soát bệnh tật- HIV-AIDS-KSNK.
– Khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng;;
– Khoa An toàn thực phẩm.
+ 06 Trạm Y tế xã
– Trạm Y tế xã Mỹ Khánh;
– Trạm Y tế xã Nhơn Nghĩa;
– Trạm Y tế xã Nhơn Ái;
– Trạm Y tế xã Trường Long;
– Trạm Y tế xã Tân Thới;
– Trạm Y tế xã Giai Xuân.
-
Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền
+ Chức năng:
– Trung tâm Y tế huyện Phong Điền có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật và thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn huyện Phong Điền.
– Triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện theo quy định Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số-kế hoạch hóa gia đình ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn khác theo phân công, phân cấp.
+ Nhiệm vụ, quyền hạn
– Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; tiêm chủng phòng bệnh; y tế trường học; phòng, chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe, phát sinh, lây lan dịch, bệnh; quản lý và nâng cao sức khỏe cho người dân.
– Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế; vệ sinh và sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng; giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và dinh dưỡng cộng đồng.
– Thực hiện các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tham gia thẩm định cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm; hướng dẫn, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp.
– Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo quy định của cấp có thẩm quyền và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho các trường hợp bệnh nhân tự đến, bệnh nhân được chuyển tuyến, bệnh nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chuyển về để tiếp tục theo dõi điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng; thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, chuyển tuyến theo quy định của pháp luật; khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định; tham gia khám giám định y khoa, khám giám định pháp y khi được trưng cầu.
– Thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em;
– Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật và truyền thông giáo dục về Dân số-kế hoạch hóa gia đình trên cơ sở kế hoạch của Chi cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế và tình hình thực tế trên địa bàn huyện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp dịch vụ và thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về Dân số-kế hoạch hóa gia đình theo phân cấp và theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về Dân số-kế hoạch hóa gia đình của trạm y tế xã và cộng tác viên Dân số-kế hoạch hóa gia đình; Quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Dân số-kế hoạch hóa gia đình.
– Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nhu cầu của người dân; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và an toàn bức xạ theo quy định.
– Đối với Phòng Y tế cơ sở thực hiện các hoạt động: Về y tế dự phòng; Về chăm sóc sức khỏe sinh sản; Về quản lý sức khỏe cộng đồng; Về truyền thông, giáo dục sức khoẻ. Hướng dẫn về chuyên môn và hoạt động đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản (ấp, khu vực) trên địa bàn thị trấn Phong Điền và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều II của Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
– Thực hiện tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về y tế; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về y tế, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn huyện.
– Chỉ đạo tuyến, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật đối với trạm y tế phường, y tế thôn bản và các cơ sở y tế thuộc cơ quan, trường học, công nông trường, xí nghiệp trên địa bàn huyện.
– Thực hiện đào tạo liên tục cho đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản (ấp, khu vực) và các đối tượng khác theo phân công, phân cấp của Sở Y tế; là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (nếu có) và hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện việc cung ứng, bảo quản, cấp phát, sử dụng và tiếp nhận thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn theo phân cấp của Sở Y tế và quy định của pháp luật.
– Triển khai thực hiện các dự án, chương trình y tế ở địa phương theo phân công, phân cấp của Sở Y tế; tổ chức điều trị nghiện chất bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật; thực hiện kết hợp quân – dân y theo tình hình thực tế ở địa phương.
– Thực hiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế và các đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế theo quy định của pháp luật.
– Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực liên quan.
– Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện quản lý nhân lực, tài chính, tài sản theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền giao.
-
Chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã thuộc Trung tâm Y tế:
+ Vị trí, chức năng:
– Trạm Y tế là đơn vị kỹ thuật đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống Y tế Nhà nước có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, là nơi phát hiện dịch sớm và phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đỡ đẻ thông thường, cung ứng thuốc thiết yếu, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh phòng bệnh, tăng cường sức khỏe.
– Trạm Y tế có trách nhiệm giúp Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền và Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác y tế trên địa bàn.
– Trạm Y tế chịu sự quản lý, chỉ đạo toàn diện của Giám đốc Trung tâm Y tế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí, nhân lực y tế; xây dựng kế hoạch hoạt động y tế báo cáo UBND xã, thị trấn để phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện; chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể trong xã, thị trấn tham gia vào các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
+ Nhiệm vụ:
-
Xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn:
– Xây dựng kế hoạch các hoạt động chăm sóc sức khỏe, xác định vấn đề sức khỏe, lựa chọn vấn đề sức khỏe ưu tiên trên địa bàn xã, thị trấn, trình Uỷ ban nhân dân cấp xã, thị trấn phê duyệt và báo cáo Trung tâm Y tế huyện; làm đầu mối tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Lập kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe, bao gồm: y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, phòng chống các bệnh không lây; khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình và truyền thông giáo dục sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn, trình Giám đốc Trung tâm Y tế huyện phê duyệt và báo cáo Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, đồng thời tham mưu tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt.
-
Tổ chức thực hiện các hoạt động sau:
– Khám chữa bệnh: Tổ chức sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám điều trị các bệnh thông thường cho nhân dân tại Trạm Y tế xã; khám sức khỏe và quản lý sức khỏe cho các đối tượng trên địa bàn xã, thị trấn, thăm khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.
– Y tế dự phòng: Phát hiện báo cáo kịp thời các bệnh dịch lên tuyến trên; làm đầu mối giúp chính quyền địa phương triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh môi trường, tai nạn thương tích, an toàn lao động. Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng mở rộng và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân trên địa bàn, …
– Phòng chống các bệnh xã hội: Tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý bệnh nhân theo quy định của chương trình.
– Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em: Triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, phá thai an toàn; phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền theo đường tình dục; chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng. Thực hiện đỡ đẻ thông thường; khám và quản lý thai nghén;
– Tuyền thông, giáo dục sức khoẻ: Thực hiện tư vấn tuyên truyền, cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh dịch, các biện pháp phòng chống, các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng; kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong xã để tuyên truyền, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe;
– Quản lý các hoạt động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của y tế thôn, bản (ấp) hay còn gọi là Tổ Y tế.
– Thực hiện bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho nhân viên y tế thôn, bản và các cộng tác viên thôn, bản (ấp) về lĩnh vực y tế trên địa bàn.
-
Quản lý các nguồn thuốc, hướng dẫn sử dụng an toàn và hợp lý, phát triển thuốc nam, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh.
-
Phát hiện, báo cáo Uỷ ban nhân dân xã và cơ quan y tế cấp trên các hoạt động y tế trái pháp luật, phạm pháp trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
-
Quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức và quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài sản của Trạm Y tế theo quy định của pháp luật.
-
Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo đầy đủ kịp thời lên tuyến trên theo quy định và của các chương trình y tế.
-
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện giao và theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân xã.